XỬ LÝ TÀI SẢN CẦM CỐ, THẾ CHẤP BẰNG NHỮNG PHƯƠNG THỨC NÀO?

Bộ luật Dân sự năm 2015 cũng như các văn bản liên quan chưa đưa ra định nghĩa thế nào là “Biện pháp bảo đảm”. Biện pháp bảo đảm là những cách thức, giải pháp nhằm hỗ trợ, khẳng định, bảo đảm cho việc thực hiện nghĩa vụ trong hợp đồng, thỏa thuận một cách chắc chắn. Biện pháp bảo đảm không tách rời với nghĩa vụ chính trong hợp đồng hoặc giao dịch. Trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện, thực hiện không đúng, không đẩy đủ các nghĩa vụ đã cam kết, thì bên có quyền có thể áp dụng biện pháp bảo đảm đã thỏa thuận hoặc đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền áp dụng để buộc bên có nghĩa vụ phải thực hiện đúng nghĩa vụ đã cam kết nhằm bảo đảm quyền lợi cho mình. Cầm cố, thế chấp là một trong những biện pháp bảo đảm được sử dụng khá phổ biến trong thực tế. 

  1. Khi nào được xử lý tài sản bảo đảm

Theo quy định tại Điều 299 Bộ luật Dân sự 2015, các trường hợp xử lý tài sản bảo đảm gồm:

(i) Đến hạn thực hiện nghĩa vụ được bảo đảm mà bên có nghĩa vụ không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ. 

(ii) Bên có nghĩa vụ phải thực hiện nghĩa vụ được bảo đảm trước thời hạn do vi phạm nghĩa vụ theo thỏa thuận hoặc theo quy định của luật. 

(iii) Trường hợp khác do các bên thỏa thuận hoặc luật có quy định.

Ngoài ra, theo quy định tại Điều 90, Luật thi hành án dân sự số 26/2008/QH12 ngày 14 tháng 11 năm 2008, được bổ sung, sửa đổi năm 2014 (Luật thi hành dân sự), trường hợp người phải thi hành án không còn tài sản nào khác hoặc có tài sản nhưng không đủ để thi hành án, chấp hành viên có quyền kê biên, xử lý tài sản của người phải thi hành án đang cầm cố, thế chấp nếu giá trị của tài sản đó lớn hơn nghĩa vụ được bảo đảm và chi phí cưỡng chế thi hành án. 

  1. Các phương thức xử lý tài sản cầm cố, thế chấp

Các bên có thể xử lý tài sản cầm cố thế chấp theo quy định tại Điều 303 Bộ luật Dân sự 2015. Bao gồm các phương thức sau:

2.1 Bán đấu giá tài sản

Đấu giá tài sản là hình thức bán tài sản có từ hai người trở lên tham gia đấu giá theo nguyên tắc, trình tự và thủ tục được quy định tại Luật Đấu giá tài sản, trừ trường hợp quy định tại Điều 49 của Luật Đấu giá tài sản.

Theo khoản 2 Điều 52 Nghị định 21/2021/NĐ-CP thì trường hợp các bên thỏa thuận về xử lý tài sản cầm cố, thế chấp theo phương thức đấu giá và có thỏa thuận riêng về thủ tục đấu giá, tổ chức đấu giá tài sản thì việc xử lý tài sản thực hiện theo thỏa thuận này. Trường hợp không có thỏa thuận thì việc bán đấu giá tài sản cầm cố, thế chấp được thực hiện theo quy định của pháp luật về bán đấu giá tài sản. 

2.2 Bên nhận bảo đảm tự bán tài sản

Điều 195, Bộ luật dân sự 2015 quy định “người không phải là chủ sở hữu tài sản chỉ có quyền định đoạt tài sản theo ủy quyền của chủ sở hữu hoặc theo quy định của luật”. Điểm b, khoản 1, Điều 303 tạo điều kiện cho bên nhận bảo đảm là người không phải chủ sở hữu của tài sản bảo đảm được tự bán tài sản bảo đảm.

Bên nhận bảo đảm tự bán tài sản cầm cố, thế chấp theo quy định về bán tài sản trong Bộ luật dân sự và quy định tại khoản 2 Điều 304 Bộ luật dân sự 2015 như sau:

  • Việc thanh toán số tiền có được từ việc xử lý tài sản được thực hiện theo quy định tại Điều 307 Bộ luật này.
  • Sau khi có kết quả bán tài sản thì chủ sở hữu tài sản và bên có quyền xử lý tài sản phải thực hiện các thủ tục theo quy định của pháp luật để chuyển quyền sở hữu tài sản cho bên mua tài sản.

2.3 Bên nhận bảo đảm nhận chính tài sản để thay thế cho việc thực hiện nghĩa vụ của bên bảo đảm

Căn cứ vào Điều 305 Bộ luật dân sự 2015, bên nhận bảo đảm được quyền nhận chính tài sản bảo đảm để thay thế cho việc thực hiện nghĩa vụ của bên bảo đảm nếu có thỏa thuận khi xác lập giao dịch bảo đảm. Trường hợp không có thỏa thuận, việc nhận chính tài sản bảo đảm để thay thế cho việc thực hiện nghĩa vụ được thực hiện khi bên bảo đảm đồng ý bằng văn bản.

Đối với tài sản bảo đảm có giá trị lớn hơn nghĩa vụ được bảo đảm thì bên nhận bảo đảm phải thanh toán số tiền chênh lệch đó cho bên bảo đảm; còn giá trị tài sản bảo đảm nhỏ hơn giá trị của nghĩa vụ bảo đảm thì phần nghĩa vụ chưa được thanh toán trở thành nghĩa vụ không có bảo đảm.

Quy định hiện hành chỉ cho phép các bên thỏa thuận sử dụng phương thức này nếu nghĩa vụ được bảo đảm ở đây chính là nghĩa vụ của bên bảo đảm. Nói cách khác, phương thức xử lý bảo đảm theo thỏa thuận này không áp dụng cho trường hợp một bên thế chấp hay cầm cố tài sản của mình để bảo đảm cho một bên khác vay vốn tại Ngân hàng. Trong trường hợp này, các bên cần thoả thuận các phương thức xử lý bảo đảm khác.

2.4 Phương thức khác

Việc quy định về phương thức khác có những giá trị quan trọng. Phương thức khác là phương thức cho phép các bên thỏa thuận về cách thức xử lý đối với các loại tài sản bảo đảm.

  1. Thủ tục xử lý tài sản cầm cố, thế chấp

Thông báo về việc xử lý tài sản bảo đảm: Theo quy định tại Điều 300 Bộ luật Dân sự 2015, trừ trường hợp tài sản bảo đảm có nguy cơ bị hư hỏng, về nguyên tắc “trước khi xử lý tài sản bảo đảm, bên nhận bảo đảm phải thông báo bằng văn bản trong một thời hạn hợp lý về việc xử lý tài sản bảo đảm cho bên bảo đảm và các bên cùng nhận bảo đảm khác”. Theo quy định tại Điều 51 Nghị định 21/2021/NĐ-CP thì xử lý như sau:

– Văn bản thông báo về việc xử lý tài sản bảo đảm phải có lý do xử lý tài sản bảo đảm; Tài sản bảo đảm sẽ bị xử lý; Thời gian và địa điểm xử lý tài sản bảo đảm.

– Phương thức thông báo theo thỏa thuận. Trường hợp không có thỏa thuận thì bên nhận bảo đảm gửi trực tiếp văn bản thông báo cho bên bảo đảm hoặc thông qua ủy quyền, dịch vụ bưu chính, phương tiện điện tử hoặc phương thức khác. Đồng thời phải gửi thông báo cho các bên cùng nhận bảo đảm khác (nếu có) và người giữ tài sản bảo đảm.

– Thời hạn thông báo về việc xử lý tài sản bảo đảm theo thỏa thuận trong hợp đồng bảo đảm. Trường hợp không có thỏa thuận thì phải thực hiện trong thời hạn hợp lý, cụ thể là trước 10 ngày đối với động sản, trước 15 ngày đối với bất động sản tính đến thời điểm xử lý tài sản bảo đảm. Trường hợp tài sản bảo đảm là chứng khoán niêm yết, hàng hóa trên sàn giao dịch hàng hóa hoặc động sản khác có thể xác định được giá cụ thể, rõ ràng trên thị trường thì thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 52 Nghị định này.

– Giao tài sản bảo đảm để xử lý: Các bên có thể thỏa thuận về việc giao, xử lý một phần hoặc toàn bộ tài sản bảo đảm theo khoản 1 Điều 52 Nghị định 21/2021/NĐ-CP. Tại Điều 301 Bộ luật dân sự 2015 quy định người đang giữ tài sản bảo đảm có nghĩa vụ giao tài sản bảo đảm cho bên nhận bảo đảm để xử lý. Trường hợp người đang giữ tài sản không giao tài sản thì bên nhận bảo đảm có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết.

– Định giá tài sản bảo đảm: Bên bảo đảm và bên nhận bảo đảm có quyền thỏa thuận về giá tài sản bảo đảm hoặc định giá thông qua tổ chức định giá tài sản khi xử lý tài sản bảo đảm.

– Thanh toán số tiền có được từ việc xử lý tài sản cầm cố, thế chấp: Số tiền có được từ việc xử lý tài sản cầm cố, thế chấp sau khi thanh toán chi phí bảo quản, thu giữ và xử lý tài sản cầm cố, thế chấp được thanh toán theo thứ tự ưu tiên quy định tại Điều 308 Bộ luật dân sự 2015.

Lưu ý: Các thông tin trong bài viết được biên tập dựa trên các văn bản pháp luật tại thời điểm viết bài và chỉ mang tính tham khảo. Khi quý độc giả tiếp cận được bài viết này có thể quy định của pháp luật đã thay đổi, do vậy vui lòng liên hệ với đội ngũ luật sư của chúng tôi theo thông tin dưới đây để được cập nhật các nội dung mới nhất khi cần.