NHỮNG ƯU ĐIỂM VÀ BẤT CẬP TRONG VIỆC LỰA CHỌN GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP BẰNG TOÀ ÁN VÀ TRỌNG TÀI THƯƠNG MẠI

  1. Giải quyết tranh chấp bằng toà án

1.1 Ưu điểm của giải quyết tranh chấp bằng Toà án

  • Tòa án là phương thức giải quyết tranh chấp tại cơ quan xét xử nhân danh quyền lực nhà nước, được tiến hành theo trình tự, thủ tục nghiêm ngặt, chặt chẽ và bản án hay quyết định của tòa án về vụ tranh chấp nếu không có sự tự nguyện tuân thủ sẽ được đảm bảo thi hành bằng sức mạnh cưỡng chế của nhà nước.
  • Tòa án là cơ quan xét xử của Nhà nước nên phán quyết của tòa án có tính cưỡng chế cao. Trình tự, thủ tục tố tụng chặt chẽ; và đảm bảo hiệu lực thi hành của phán quyết tại Tòa. Nếu các bên không chấp hành sẽ bị cưỡng chế bởi cơ quan thi hành án. Các bên được bảo toàn quyền lợi và nghĩa vụ của mình bắt buộc phải thực hiện theo phán quyết của Tòa.
  • Nguyên tắc xét xử công khai có tính răn đe đối với những thương nhân kinh doanh vi phạm pháp luật. 
  • Chi phí để giải quyết một tranh chấp thương mại thông qua Tòa án sẽ thấp hơn so với trọng tài.

1.2. Hạn chế của giải quyết tranh chấp bằng Toà án

  • Phán quyết của tòa án thường bị kháng cáo. Quá trình tố tụng có thể bị trì hoãn và kéo dài; có thể phải qua nhiều cấp xét xử; ảnh hưởng đến quá trình sản xuất, kinh doanh.
  • Tính xét xử công khai không phù hợp với hoạt động kinh doanh thương mại vì dễ ảnh hưởng đến bí mật kinh doanh cũng như uy tín của doanh nghiệp;
  1. Giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại

2.1 Ưu điểm của giải quyết bằng trọng tài thương mại

– Thủ tục linh hoạt, tiết kiệm thời gian

Giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài thương mại các bên trong tranh chấp được quyền thỏa thuận và lựa chọn hội đồng trọng tài hoặc trọng tài viên, địa điểm, ngôn ngữ, luật áp dụng giải quyết tranh chấp và quy tắc tố tụng trọng tài tương ứng… Do vậy, thủ tục giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài thương mại sẽ căn cứ theo thỏa thuận lựa chọn của các bên, có tính linh hoạt hơn so với các thủ tục tố tụng tại Tòa án. Đồng thời, phương thức giải quyết tranh chấp này không trải qua nhiều cấp xét xử như tại Tòa án, do đó giúp tiết kiệm thời gian và chi phí cho các bên trong quá trình tranh tụng.

– Phán quyết của trọng tài có giá trị ràng buộc giữa các bên, không bị kháng cáo, kháng nghị

Thông thường, các bên sẽ tự nguyện thi hành mà không cần sự can thiệp của bất kỳ cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Trường hợp một bên không tự nguyện thực hiện mà bên đó không yêu cầu hủy phán quyết thì bên còn lại có quyền yêu cầu Cơ quan thi hành án dân sự áp dụng các biện pháp cưỡng chế thi hành hoặc biện pháp khẩn cấp tạm thời để buộc thi hành phán quyết.

Theo quy định tại Điều 68.2 Luật Trọng tài thương mại 2010, phán quyết trọng tài chỉ bị hủy bỏ khi có đơn yêu cầu của một bên và khi có một trong các căn cứ sau:

“a) Không có thoả thuận trọng tài hoặc thỏa thuận trọng tài vô hiệu;

  1. b) Thành phần Hội đồng trọng tài, thủ tục tố tụng trọng tài không phù hợp với thoả thuận của các bên hoặc trái với các quy định của Luật này;
  2. c) Vụ tranh chấp không thuộc thẩm quyền của Hội đồng trọng tài; trường hợp phán quyết trọng tài có nội dung không thuộc thẩm quyền của Hội đồng trọng tài thì nội dung đó bị huỷ;
  3. d) Chứng cứ do các bên cung cấp mà Hội đồng trọng tài căn cứ vào đó để ra phán quyết là giả mạo; Trọng tài viên nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác của một bên tranh chấp làm ảnh hưởng đến tính khách quan, công bằng của phán quyết trọng tài;

đ) Phán quyết trọng tài trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam.”

– Quá trình xét xử bảo mật và phù hợp với tranh chấp có yếu tố nước ngoài

Phiên họp giải quyết tranh chấp được trọng tài tổ chức không công khai. Hội đồng trọng tài có thể cho phép những người khác tham dự phiên họp giải quyết tranh chấp khi có sự đồng ý của các bên. Đảm bảo bí mật hơn so với Tòa án, các bí mật kinh doanh và thông tin mật của Doanh nghiệp sẽ được đảm bảo không bị tiết lộ ra ngoài;

2.2. Nhược điểm của giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại

– Chi phí cao, phụ thuộc vào giá trị tranh chấp: chi phí trọng tài sẽ còn phụ thuộc vào số lượng Trọng tài viên được lựa chọn và giá trị tranh chấp. Giá trị tranh chấp càng lớn, số lượng Trọng tài viên càng nhiều thì chi phí giải quyết tranh chấp càng cao.

– Hai bên nhất thiết phải có thỏa thuận trọng tài có hiệu lực và có thể thực hiện được;

– Tính cưỡng chế thi hành của trọng tài thường không cao bằng Tòa án.

Lưu ý: Các thông tin trong bài viết được biên tập dựa trên các văn bản pháp luật tại thời điểm viết bài và chỉ mang tính tham khảo. Khi quý độc giả tiếp cận được bài viết này có thể quy định của pháp luật đã thay đổi, do vậy vui lòng liên hệ với đội ngũ luật sư của chúng tôi theo thông tin dưới đây để được cập nhật các nội dung mới nhất khi cần.