THỦ TỤC THÀNH LẬP DOANH NGHIỆP

THỦ TỤC THÀNH LẬP DOANH NGHIỆP

  1. Những việc cần chuẩn bị để thành lập công ty bao gồm

Theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2020, Nghị định số 01/2021 của Chính phủ về đăng ký kinh doanh, để xin cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp thì doanh nghiệp cần chuẩn bị những thông tin tài liệu sau đây:

– Người đại diện pháp luật: là người từ đủ 18 tuổi, có căn cước công dân hoặc hộ chiếu còn thời hạn, không thuộc nhóm đối tượng bị cấm thành lập công ty.

– Tên công ty: Theo quy định tại Điều 37, Điều 38, Điều 41 Luật doanh nghiệp 2020 khi đặt tên công ty cá nhân, tổ chức cần lưu ý:

  • Tên tiếng Việt gồm 02 thành tố: Loại hình doanh nghiệp và tên riêng;
  • Tên công ty không được trùng với tên của công ty khác;
  • Không sử dụng tên cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị xã hội… để đặt tên công ty;
  • Không sử dụng từ ngữ, ký hiệu vi phạm truyền thống lịch sử, văn hóa, thuần phong, mỹ tục..

– Địa chỉ trụ sở công ty: Cá nhân, tổ chức phải thực hiện đặt trụ sở công ty theo quy định tại Điều 42 Luật doanh nghiệp 2020 trụ sở chính của doanh nghiệp đặt trên lãnh thổ Việt Nam, được xác định theo địa giới đơn vị hành chính

– Vốn điều lệ công ty

– Xác định ngành nghề kinh doanh

– Xác định loại hình công ty: Có 4 loại hình công ty mà cá nhân, tổ chức có thể lựa chọn:

  •  Công ty cổ phần
  •  Công ty TNHH 1 Thành viên
  •  Công ty TNHH 2 Thành viên
  •  Công ty hợp danh
  1. Thành phần hồ sơ cần chuẩn bị

Theo quy định Luật Doanh nghiệp 2020, Nghị định số 01/2021 về trình tự, thủ tục đăng ký doanh nghiệp cơ bản phải bao gồm các tài liệu sau đây:

– Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp.

– Điều lệ công ty.

– Danh sách thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên hoặc danh sách cổ đông đối với công ty cổ phần 

– Bản sao các giấy tờ sau đây bao gồm:

  • Giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp
  • Giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với thành viên công ty; Giấy tờ pháp lý của tổ chức đối với thành viên là tổ chức; Giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với người đại diện theo ủy quyền của thành viên là tổ chức và văn bản cử người đại diện theo ủy quyền.
  • Giấy tờ pháp lý của cá nhân được ủy quyền làm thủ tục đăng ký thành lập
  1. Trình tự thực hiện thủ tục

Người thành lập doanh nghiệp hoặc doanh nghiệp hoặc người được ủy quyền thực hiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp theo phương thức sau đây:

3.1 Đăng ký doanh nghiệp trực tiếp tại Phòng Đăng ký kinh doanh hoặc qua dịch vụ bưu chính:

– Người nộp hồ sơ đăng ký tại Phòng Đăng ký kinh doanh của Sở Kế hoạch và Đầu tư

– Sau khi tiếp nhận hồ sơ đăng ký doanh nghiệp, Phòng Đăng ký kinh doanh trao Giấy biên nhận về việc nhận hồ sơ cho người nộp hồ sơ. Phòng Đăng ký kinh doanh chấp thuận hồ sơ trên Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp và trả kết quả cho doanh nghiệp trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ.

– Trường hợp hồ sơ chưa hợp lệ hoặc tên doanh nghiệp yêu cầu đăng ký không đúng theo quy định, Phòng Đăng ký kinh doanh sẽ thông báo bằng văn bản nội dung cần sửa đổi, bổ sung cho người thành lập doanh nghiệp hoặc doanh nghiệp trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ.

3.2 Đăng ký doanh nghiệp qua mạng thông tin điện tử tại Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp (https://dangkykinhdoanh.gov.vn)

– Người nộp hồ sơ sử dụng chữ ký số hoặc Tài khoản đăng ký kinh doanh để kê khai thông tin, tải văn bản điện tử, ký xác thực hồ sơ đăng ký doanh nghiệp qua mạng thông tin điện tử và thanh toán phí, lệ phí đăng ký doanh nghiệp theo quy trình trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.

– Sau khi hoàn thành việc gửi hồ sơ đăng ký doanh nghiệp, người nộp hồ sơ sẽ nhận được Giấy biên nhận hồ sơ đăng ký doanh nghiệp qua mạng thông tin điện tử.

– Trường hợp hồ sơ đủ điều kiện cấp đăng ký doanh nghiệp, Phòng Đăng ký kinh doanh thực hiện cấp đăng ký doanh nghiệp và thông báo cho doanh nghiệp về việc cấp đăng ký doanh nghiệp. Trường hợp hồ sơ chưa đủ điều kiện cấp đăng ký doanh nghiệp, Phòng Đăng ký kinh doanh gửi thông báo qua mạng thông tin điện tử cho doanh nghiệp để yêu cầu sửa đổi, bổ sung hồ sơ.

  1. Cơ quan tiếp nhận và thời gian giải quyết

– Cơ quan tiếp nhận: Phòng đăng ký kinh doanh Sở Kế hoạch và Đầu tư

– Thời gian giải quyết: 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ.

– Nếu hồ sơ hợp lệ: Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

– Nếu hồ sơ chưa hợp lệ: Thông báo về việc sửa đổi, bổ sung đăng ký doanh nghiệp.

  1. Thủ tục sau khi nhận được Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp

5.1 Treo bảng tên tại trụ sở công ty và khắc dấu mộc doanh nghiệp, mở tài khoản ngân hàng

– Kể từ khi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp có hiệu lực, bạn cần tiến hành treo bảng tên theo quy định tại Điều 34 Luật Quảng cáo tại địa chỉ trụ sở công ty. Bảng hiệu công ty cần đảm bảo các tiêu chí sau:

  • Phải chứa các thông tin bao gồm: Tên công ty, Mã Số Thuế, Địa Chỉ.
  • Kích thước: Đối với biển hiệu ngang thì chiều cao tối đa là 02 mét (m), chiều dài không vượt quá chiều ngang mặt tiền nhà; Đối với biển hiệu dọc thì chiều ngang tối đa là 01 mét (m), chiều cao tối đa là 04 mét (m) nhưng không vượt quá chiều cao của tầng nhà nơi đặt biển hiệu.
  • Vị trí: tại nơi có thể nhìn rõ từ bên ngoài.

– Đăng ký khắc con dấu doanh nghiệp và mở tài khoản ngân hàng 

5.2 Đăng ký chữ ký số

Chữ ký số được dùng trong các trường hợp phổ biến như:

– Ký hóa đơn điện tử

– Ký tờ khai thuế điện tử

– Ký hợp đồng điện tử

5.3 Thực hiện kê khai và nộp các loại thuế phí

– Kê khai thuế ban đầu

– Nộp tờ khai và nộp thuế môn bài

– Đăng ký phương pháp tính thuế giá trị gia tăng

– Đăng ký thông báo và sử dụng hóa đơn điện tử

Lưu ý: Các thông tin trong bài viết được biên tập dựa trên các văn bản pháp luật tại thời điểm viết bài và chỉ mang tính tham khảo. Khi quý độc giả tiếp cận được bài viết này có thể quy định của pháp luật đã thay đổi, do vậy vui lòng liên hệ với đội ngũ luật sư của chúng tôi theo thông tin dưới đây để được cập nhật các nội dung mới nhất khi cần.