NHỮNG LƯU Ý KHI TRANH CHẤP ĐẤT ĐAI

Tranh chấp đất đai được xem là một trong những tranh chấp khá phổ biến hiện nay và đa dạng về nội dung tranh chấp. Tranh chấp đất đai là tranh chấp về quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất, giữa hai hay nhiều bên trong quan hệ đất đai.

Các hình thức tranh chấp đất đai phổ biến hiện nay:

– Tranh chấp về quyền sử dụng đất.

– Tranh chấp về quyền, nghĩa vụ phát sinh trong quá trình sử dụng đất.

– Tranh chấp về mục đích sử dụng đất.

Giải quyết tranh chấp đất đai cũng cần phải theo những nguyên tắc sau:

– Luôn đảm bảo nguyên tắc đất đai thuộc sở hữu toàn dân và Nhà nước là đại diện chủ sở hữu.

– Bảo đảm lợi ích của người sử dụng đất, nhất là lợi ích kinh tế, khuyến khích tự hòa giải trong nội bộ nhân dân.

– Việc giải quyết nhằm mục đích ổn định kinh tế, xã hội, gắn với phát triển sản xuất, mở mang ngành nghề, tạo điều kiện cho lao động có việc làm, phù hợp với đặc điểm và quy hoạch của từng địa phương.

Thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai

Trong tranh chấp đất đai nhà nước khuyến khích các bên tự hòa giải với nhau. Trong trường hợp các bên không tự hòa giải được với nhau phải gửi đơn đến Uỷ ban nhân dân nơi có đất tranh chấp để hòa giải. (Căn cứ theo Điều 202 Luật Đất Đai 2013)

Trong trường hợp các bên không tự hòa giải được hoặc hào giải không thành căn cứ theo Điều 203 giải quyết tranh chấp đất đai như sau:

– Tranh chấp đất đai mà đương sự có giấy chứng nhận hoặc các giấy tờ quy định tại Điều 100 Luật Đất Đai 2013 sẽ do Tòa án nhân dân giải quyết

– Tranh chấp đất đai mà đương sự không có giấy chứng nhận hoặc các giấy tờ quy định tại Điều 100 Luật Đất Đai 2013 sẽ giải quyết dưới 2 hình thức sau:

  • Nộp đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp tại Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền
  • Khởi kiện tại Tòa án nhân dân có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự
  • Trường hợp đương sự lựa chọn giải quyết tranh chấp tại Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền thì việc giải quyết tranh chấp đất đai được thực hiện như sau:

– Trường hợp tranh chấp giữa hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư với nhau thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện giải quyết; nếu không đồng ý với quyết định giải quyết thì có quyền khiếu nại đến Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc khởi kiện tại Tòa án nhân dân theo quy định của pháp luật về tố tụng hành chính

–  Trường hợp tranh chấp mà một bên tranh chấp là tổ chức, cơ sở tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giải quyết; nếu không đồng ý với quyết định giải quyết thì có quyền khiếu nại đến Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường hoặc khởi kiện tại Tòa án nhân dân theo quy định của pháp luật về tố tụng hành chính;

–  Người có thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai phải ra quyết định giải quyết tranh chấp. Quyết định giải quyết tranh chấp có hiệu lực thi hành phải được các bên tranh chấp nghiêm chỉnh chấp hành. Trường hợp các bên không chấp hành sẽ bị cưỡng chế thi hành.

Lưu ý: Các thông tin trong bài viết được biên tập dựa trên các văn bản pháp luật tại thời điểm viết bài và chỉ mang tính tham khảo.

Khi quý độc giả tiếp cận được bài viết này có thể quy định của pháp luật đã thay đổi, do vậy vui lòng liên hệ với đội ngũ luật sư của chúng tôi theo thông tin dưới đây để được cập nhật các nội dung mới nhất khi cần.