NHỮNG ĐIỂM MỚI CỦA LUẬT ĐẦU TƯ 2020

Luật Đầu tư 2020 (sửa đổi) mới được Quốc hội thông qua có hàng loạt các điểm mới trong ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện thời bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ trong việc thực hiện chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư, các Luật liên quan.

  • Cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ

Tại điểm h khoản 1 Điều 6 Luật Đầu Tư 2020 quy định cấm kinh doanh, đầu tư dịch vụ đòi nợ thuê.

Việc cấm đầu tư kinh doanh để đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước đối với dịch vụ này, hạn chế tình trạng một số cá nhân, tổ chức lợi dụng hoạt động đòi nợ thuê gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự.

  • Bỏ một số ngành nghề kinh doanh có điều kiện

Theo Luật Đầu Tư 2014 ngành nghề kinh doanh có điều kiện bao gồm 243 ngành, nghề. Tuy nhiên từ Luật Đầu Tư 2020 thì đã giảm bớt xuống còn 227 ngành nghề. Việc giảm bớt ngành nghề trong Luật Đầu Tư 2020 thu hút sự quan tâm của giới Doanh nhân, góp phần xóa bỏ rào cản trong hoạt động kinh doanh; bảo đảm quyền tự do kinh doanh của người dân, doanh nghiệp trong những ngành, nghề mà luật không cấm.

v Tỷ lệ nắm giữ vốn điều lệ của NĐT nước ngoài trong tổ chức kinh tế thực hiện hoạt động đầu tư

Khoản 1 điều 23 Luật Đầu Tư 2020 quy định về tỉ lệ nắm giữ vốn điều lệ của nhà đầu tư người nước ngoài trong tổ chức kinh tế thực hiện hoạt động đầu tư như sau:

“1.Tổ chức kinh tế phải đáp ứng điều kiện và thực hiện thủ tục đầu tư theo quy định đối với nhà đầu tư nước ngoài khi đầu tư thành lập tổ chức kinh tế khác; đầu tư góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của tổ chức kinh tế khác; đầu tư theo hình thức hợp đồng BCC nếu tổ chức kinh tế đó thuộc một trong các trường hợp sau đây:

  1. a) Có nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc có đa số thành viên hợp danh là cá nhân nước ngoài đối với tổ chức kinh tế là công ty hợp danh;
  2. b) Có tổ chức kinh tế quy định tại điểm a khoản này nắm giữ trên 50% vốn điều lệ;
  3. c) Có nhà đầu tư nước ngoài và tổ chức kinh tế quy định tại điểm a khoản này nắm giữ trên 50% vốn điều lệ”.

Theo quy định trên thì nhà đầu tư nước ngoài khi khi đầu tư thành lập tổ chức kinh tế khác; đầu tư góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của tổ chức kinh tế khác; đầu tư theo hình thức hợp đồng BCC thì nắm giữ trên 50% vốn điều lệ trong khi đó Luật Đầu Tư 2014 quy định nhà đầu tư nước ngoài khi khi đầu tư thành lập tổ chức kinh tế khác; đầu tư góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của tổ chức kinh tế khác; đầu tư theo hình thức hợp đồng BCC thì phải nắm giữ trên 51% vốn điều lệ.

  • Điều kiện để nhà đầu tư nước ngoài được góp vốn, mua cổ phần, mua phần góp vốn của tổ chức kinh tế tại Việt Nam

NĐT nước ngoài được góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của tổ chức kinh tế khi đáp ứng đủ các quy định tại khoản 2 điều 24 Luật Đầu Tư

  • Điều kiện tiếp cận thị trường đối với NĐT nước ngoài quy định tại Điều 9 của Luật Đầu tư 2020;
  • Bảo đảm quốc phòng, an ninh theo quy định của Luật Đầu tư 2020;
  • Quy định của pháp luật về đất đai về điều kiện nhận quyền sử dụng đất, điều kiện sử dụng đất tại đảo, xã, phường, thị trấn biên giới, xã, phường, thị trấn ven biển.

Đây là một quy định mới của Luật Đầu Tư 2020 về Điều kiện để NĐT nước ngoài được góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của tổ chức kinh tế tại Việt Nam. Trong khi Luật Đầu tư 2014 quy định bao gồm các điều kiện về: Tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ, Hình thức đầu tư, phạm vi hoạt động, đối tác Việt Nam tham gia thực hiện hoạt động đầu tư và điều kiện khác theo quy định của điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

  • Quy định thêm về đối tượng được hưởng ưu đãi đầu tư

Theo Luật Đầu Tư 2020 đã bổ sung thêm những đối tượng được hưởng ưu đãi đầu tư. Các đối tượng được ưu đãi bao gồm:

  • Dự án đầu tư tại địa bàn ưu đãi đầu tư quy định tại Khoản 2 Điều 16 Luật Đầu tư 2020;
  • Dự án đầu tư có quy mô vốn từ 6.000 tỷ đồng trở lên, thực hiện giải ngân tối thiểu 6.000 tỷ đồng trong thời hạn 03 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư, đồng thời có một trong các tiêu chí sau: có tổng doanh thu tối thiểu đạt 10.000 tỷ đồng mỗi năm trong thời gian chậm nhất sau 03 năm kể từ năm có doanh thu hoặc sử dụng trên 3.000 lao động;
  • Dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội; dự án đầu tư tại vùng nông thôn sử dụng từ 500 lao động trở lên; dự án đầu tư sử dụng lao động là người khuyết tật theo quy định của pháp luật về người khuyết tật;
  • Doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp khoa học và công nghệ, tổ chức khoa học và công nghệ; dự án có chuyển giao công nghệ thuộc Danh mục công nghệ khuyến khích chuyển giao theo quy định của pháp luật về chuyển giao công nghệ; cơ sở ươm tạo công nghệ, cơ sở ươm tạo doanh nghiệp khoa học và công nghệ theo quy định của pháp luật về công nghệ cao, pháp luật về khoa học và công nghệ; doanh nghiệp sản xuất, cung cấp công nghệ, thiết bị, sản phẩm và dịch vụ phục vụ các yêu cầu về bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường;
  • Dự án đầu tư khởi nghiệp sáng tạo, trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm nghiên cứu và phát triển;
  • Đầu tư kinh doanh chuỗi phân phối sản phẩm của doanh nghiệp nhỏ và vừa; đầu tư kinh doanh cơ sở kỹ thuật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, cơ sở ươm tạo doanh nghiệp nhỏ và vừa; đầu tư kinh doanh khu làm việc chung hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo theo quy định của pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Trong khi đó Luật Đầu Tư 2014 chỉ quy định một số Đối tượng được hưởng ưu đãi đầu tư như: Dự án đầu tư thuộc ngành, nghề ưu đãi đầu tư theo quy định tại khoản 1 Điều 16 ; Dự án đầu tư tại địa bàn ưu đãi đầu tư theo quy định tại khoản 2 Điều 16 ;  Dự án đầu tư có quy mô vốn từ 6.000 tỷ đồng trở lên, thực hiện giải ngân tối thiểu 6.000 tỷ đồng trong thời hạn 03 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc quyết định chủ trương đầu tư; Dự án đầu tư tại vùng nông thôn sử dụng từ 500 lao động trở lên; Doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp khoa học và công nghệ, tổ chức khoa học và công nghệ.

Như vậy điểm mới của Luật Đầu tư 2020 hướng tới tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, bình đẳng, an toàn cho người dân và Doanh nghiệp; đồng thời tăng cường hiệu lực, hiệu quả trong quản lý nhà nước đối với hoạt động đầu tư kinh doanh.